Mới đây hơn 10.000 CMND,CCCD bị rao bán trên mạng, điều này rất nguy hiểm vì những thông tin này có thể bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động trái pháp luật như lừa đảo, chuyển tiền...
Hai ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin một thành viên diễn đàn Raid... - chuyên mua bán dữ liệu của hacker - rao bán thông tin CMND, CCCD của gần 10.000 người dân Việt Nam.
Trên diễn đàn này, tài khoản có tên Ox1337xO cho biết đang sở hữu gói dữ liệu KYC (Know Your Customer) - dữ liệu để xác minh thông tin người dùng, bao gồm các thông tin xác định danh tính người dùng như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh... kèm theo hình ảnh chân dung, hình chụp mặt trước và sau CMND/CCCD.
Giá bán của gói dữ liệu này được rao lúc đầu ở mức 9.000 USD (khoảng 207 triệu đồng), sau đó hạ xuống còn 4.300 USD (khoảng 99 triệu đồng). Người bán cũng cho biết chỉ nhận thanh toán bằng hai hình thức là tiền điện tử Bitcoin (0,2 BTC) hay Litecoin (2,8 LTC) hoặc qua người trung gian. Gói dữ liệu có dung lượng đến 17GB, theo ước tính của các chuyên gia bảo mật, chúng có thể chứa đựng thông tin đến 10.000 người. Đến sáng 16-5, bài viết này đã bị xóa không rõ nguyên nhân.
NGUỒN LỘ THÔNG TIN ĐẾN TỪ ĐÂU?
Hiện chưa rõ các tin tặc đã lấy thông tin người dùng từ đâu để tạo nên cơ sở dữ liệu này, nhưng theo tìm hiểu nhiều khả năng đây là thông tin của những khách hàng giao dịch tại ngân hàng, khách hàng vay tiền của các tổ chức tín dụng khi mua sắm tại các hệ thống bán lẻ (điện thoại, xe máy…).
Thông tin rao bán 17GB dữ liệu gồm thông tin cá nhân nhiều người Việt của tài khoản Ox1337xO |
Không loại trừ khả năng, những thông tin này do tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của các tổ chức tín dụng để lấy cắp, mà được chính nhân viên của các tổ chức tín dụng này rao bán hoặc tuồn ra ngoài cho người khác rao bán.
NGUY CƠ TỪ VIỆC LỘ THÔNG TIN CÁ NHÂN
Có ít nhất 5 kịch bản nguy hiểm mà người dân có thể gặp phải khi hình ảnh CMND lọt vào tay kẻ xấu.
1. Chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
Tội phạm sẽ sao chép thông tin CMND thật để làm phiên bản giả với dãy số và tên nạn nhân giữ nguyên, nhưng thay ảnh của chính mình vào. Sau đó, chúng dùng CMND giả này đến ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân (đã nghiên cứu trước).
2. Đi vay tiền, mua hàng trả góp
Giống như ở trên, tội phạm cũng sử dụng thông tin CMND/CCCD thật thay đổi hình ảnh, rồi lợi dụng chính sách xét duyệt dễ dàng của các công ty tài chính/ ngân hàng vay tiền , mua hàng trả góp, qua app...
Rất nhiều trường hợp "bỗng dưng" mắc nợ vì bị mất CMND/CCCD |
3. Lừa đảo giả danh yêu cầu chuyển tiền
Bằng cách nghiên cứu thông tin trên CMND/CCCD như hình ảnh, tên tuổi, quê quán, nơi ở, giới tính... tội phạm công nghệ cao có thể biết được số điện thoại liên hệ, tài khoản ngân hàng của khổ chủ. Sau đó chúng giả công an, kiểm sát viên, thanh tra, tòa án gọi điện đến hù dọa người này đang bị điều tra vì "liên quan đến vụ án".
Cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại yêu cầu nộp tiền. |
Nghe chúng đọc vanh vách những thông tin về mình, thậm chí cả tài khoản ở các ngân hàng, người dân rất dễ tin đây là người của cơ quan pháp luật nên thực hiện theo các yêu cầu. Khi đó, họ bị cảnh sát giả hăm dọa "nếu không muốn bị bắt tạm giam" phải chứng minh bản thân trong sạch, tiền đang có không liên quan đến băng nhóm tội phải. Để làm được việc này, người dân phải chuyển tiền đến tài khoản của "cơ quan điều tra" (do chúng cung cấp), khi làm rõ công an sẽ lập tức chuyển trả.
4. Bôi nhọ, đăng tải thông tin gây sốc lên mạng xã hội
Rắc rối khác mà nhiều người đã trở thành nạn nhân là bị kẻ xấu đăng ảnh CMND/CCCD lên mạng xã hội kèm thông tin gây sốc như: đang gặp tai nạn, vay tiền không trả, bán hàng dối trá, hoặc vu khống tình ái... "Đây có thể là thủ đoạn câu like của những tài khoản ảo, nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng hay lừa đảo sau này".
5. Bán thông tin cá nhân
Thông tin CMND/CCCD bị đánh cắp có thể được bán cho một số công ty để tạo bảng lương khống, đăng ký mã số thuế trả lương lao động thời vụ; hoặc dùng để đăng ký sim hòa mạng, mở các tài khoản trực tuyến khác, mua vé tàu... Khi xảy ra sự cố, những người bị lộ lọt hình ảnh CMND/CCCD sẽ gánh chịu phiền phức.
Các cuộc gọi làm phiền luôn "bủa vây" người dùng hàng ngày |
Chưa kể là người bị lộ số điện thoại, địa chỉ, thông tin cá nhân... sẽ bị làm phiền bởi rất nhiều cuộc gọi điện quảng cáo không mong muốn.
NHỮNG LƯU Ý ĐỂ BẢO MẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN
- Chỉ cung cấp hình ảnh ,thông tin trên CMND /CCCD, dữ liệu cá nhân...cho các tổ chức uy tín, hạn chế gửi , đăng tải các giấy tờ cá nhân trên không gian mạng. Nếu có đăng tải thì che hình gương mặt, thông tin số cmnd, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, mã QR code trên CCCD mới...
Cần che mờ thông tin và cả mã QR trên CMND/CCCD |
- Không nên vay tiền qua các app, ứng dụng, vì các ứng dụng này thường đòi rất nhiều quyền bao gồm truy cập danh bạ, lịch sử gọi, nhắn tin, truy cập bộ sưu tập ảnh, định vị ...Và các ứng dụng này không có chính sách rõ ràng về bảo mật thông tin của khách hàng cũng như có phương thức đòi nợ giang hồ, đã bị phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.
- Trường hợp gặp rắc rối từ CMND/CCCD bị lộ, người dân liên hệ ngay với các tổ chức tín dụng có thông tin tài khoản để khoá và ngăn chặn giao dịch. Nếu thường sử dụng các ứng dụng (app) thanh toán có liên quan đến thông tin, hình ảnh cá nhân thì người dân cần liên lạc với các chuyên gia bảo mật hoặc các công ty về bảo mật có các dịch vụ cung ứng nhằm ứng cứu sự cố để được hỗ trợ nhanh nhất.
Bên cạnh đó, người dân cần thông báo nội dung vụ việc đến các tổ chức, cá nhân liên quan và trình bày rõ mình là nạn nhân của hành vi lừa đảo; đồng thời lập vi bằng để có cơ sở bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét